Từ sau khi thu hoạch, quy trình chuẩn bị cho vụ Hè Thu bao gồm các công đoạn từ chuẩn bị đất, vệ sinh ruộng; cho đến các kỹ thuật chăm sóc lúa Hè Thu như theo dõi nước trên ruộng, bón phân, diệt cỏ dại, v.v. Để lúa Hè Thu được phát triển tốt, cho năng suất cao, bà con cần có kỹ thuật chăm sóc lúa hiệu quả.
1. Chuẩn bị đất vụ Hè Thu
Đất sau thu hoạch lúa vụ Đông Xuân còn tồn đọng các mầm mống sâu bệnh, các hóa chất từ mùa vụ trước để lại. Nếu không tiến hành vệ sinh và làm đất kỹ, có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng lúa vụ Hè Thu. Vì thế, bà con tiến hành các bước như sau:
– Thực hiện công tác cắt ngắn rạ và đánh đều; phơi ruộng 1 ngày nắng và tiến hành đốt rơm để diệt mầm sâu bệnh hại. Đồng thời, trong tro rơm rạ chứa các khoáng chất tự nhiên như Ca, Silic, kali, lân và một số chất vi lượng khác có thể cung cấp cho lúa vụ sau. Tro có tính kiềm nên có tác dụng tốt để trung hòa độ chua có trong đất ruộng.
– Sau khi đốt rơm nhanh chóng cày xới đúng kỹ thuật; để đất ruộng tơi xốp, và tro rơm được hòa trộn đều với đất; phơi đất từ 7 đến 10 ngày để sâu bọ trong đất diệt trừ triệt để.
– Cho nước vào ruộng, tiến hành băm đất, trang đất kết hợp san bằng đất ruộng; đánh gò thoát nước để thực hiện xuống giống.
2. Chọn hạt giống và gieo sạ
Vụ Hè Thu 2022 gặp phải tình hình thời tiết không thuận lợi; diễn biến khí hậu thất thường; kèm theo hạn mặn hoành hành. Do đó, bà con cần chọn giống lúa có sức sống mạnh mẽ, chịu mặn tốt, chất lượng năng suất cao; như các giống lúa GS55, GS9, OM4218, OM 5451, OM6976, OM7347, OM4900…
Mật độ gieo sạ tốt nhất 120 đến 130 kg mỗi hecta để đảm bảo tỷ lệ nảy mầm cao. Lưu ý trước khi ngâm ủ từ 3 đến 5 ngày, bà con nên lấy mẫu để thử tỷ lệ nảy mầm; lúa mọc trên 80% thì giống đạt yêu cầu.
Hầu hết giống được sản xuất từ vụ trước, nên hạt giống còn miên trạng cần xử lý đúng cách. Bà con có thể ngâm với acid HNO3 68% khoảng từ 5 đến 7cc với 1kg lúa giống trong 24 đến 30 giờ. Xử lý sạch các hạt lép và hạt dị dạng. Tiếp tục ngâm nước sạch từ 30 đến 36 giờ, sau đó xả sạch với nước đến hết mùi chua. Tiến hành ủ từ 30 đến 36 giờ đến khi hạt mọc mòng. Các ngâm ủ giống tương tự trong mùa vụ Đông Xuân.
Giống lúa lai F1 phù hợp cho vụ Hè Thu 2024
Giống lúa lai GS999, GS55, GS9 là những giống lúa lai F1 đã thực nghiệm thành công trong những năm trước tại khu vực miền Bắc. Hiện nay, không chỉ Bắc Bộ mà nhà nông các tỉnh Thái Nguyên, khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ đều ưa chuộng hai giống lúa này. Giống lúa lai F1 thích hợp canh tác trên nhiều chân đất khác nhau, nên đây là lựa chọn thích hợp tại các vùng đất phèn, nhiễm mặn.
Hơn thế, giống lúa lai F1 này có khả năng chống chịu tốt kể cả thời tiết khắc nghiệt. GS55, GS9, GS999 có khả năng đẻ nhánh khỏe; cứng cây, chống đổ ngã tốt; có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn, rầy nâu gây hại. Với bông phát triển to và dài, tỷ lệ lúa vào chắc cao, hạt xếp xít nhau; hạt thon dài, chất lượng gạo tốt.
Trong vụ Hè Thu 2022, GS55, GS999 và GS9 được nhiều nhà khuyến nông khuyến khích bà con canh tác 3 giống lúa này. Với sự biến chuyển phức tạp của khí hậu vụ Hè Thu; cùng sự di trú thường xuyên của rầy nâu làm vụ Hè Thu gặp khó khăn hơn so với các vụ trước. Đồng thời, tình trạng gia tăng giá thành vật tư nông nghiệp làm nhà nông phải suy tính kỹ lưỡng để tối ưu chi phí hợp lý; mà còn đạt hiệu quả chăm sóc lúa vụ Hè Thu hiệu quả, tránh thất thoát, bị sâu bệnh hại làm ảnh hưởng mùa vụ. Do đó, việc lựa chọn giống lúa lai F1 giúp bà con hạn chế sự tấn công của sâu bệnh; tối ưu được lượng phân bón, thuốc sử dụng vụ Hè Thu; gia tăng năng suất bội thu.
3. Quản lý nước trong ruộng
Nước trong ruộng giúp cây lúa cũng như mạ non sinh trưởng tốt. Mỗi giai đoạn lúa phát triển cần mực nước khác nhau. Việc nhà nông quản lý nước trong ruộng giúp lúa giảm ảnh hưởng bởi phèn, ngộ độc hữu cơ; thất thoát dinh dưỡng; hạn chế sự phát sinh sâu bệnh, cỏ dại. Kỹ thuật “ướt khô xen kẽ” được nhiều bà con áp dụng trong quản lý nước. Với kỹ thuật này, mực nước tối đa là 5 cm; tuy nhiên không phải lúc nào ruộng cũng ngập nước.
Kỹ thuật điều tiết “ướt khô xen kẽ”
Trong 7 ngày đầu sau xuống giống, giữ nước trong ruộng khoảng 1 cm. Sau đó, mực nước sẽ giữ cao theo giai đoạn sinh trưởng của lúa; khoảng 1 đến 3 cm. Trong giai đoạn mạ non, nước là nhu cầu cần thiết để lúa phát triển tốt.
Giai đoạn lúa từ 25 đến 40 ngày sau sạ là thời kỳ lúa đẻ nhánh mạnh. Giữ mực nước trong ruộng dao động bằng mặt đất đến thấp hơn 15cm so với mặt đất. Bà con thường dùng ống nhựa đục lỗ bên hông để theo dõi. Khi nước thấp hơn 15cm tiến hành bơm nước ngập tối đa 5cm so với mặt ruộng. Phương pháp này phơi lộ mặt ruộng; hạn chế phát tán hạch nấm khô vằn, giảm phát sinh lây lan bệnh khô vằn. Hơn nữa, cỏ dại khó cạnh tranh với lúa. Cách điều tiết nước “ướt khô xen kẽ” giúp bộ rễ phát triển sâu vào đất; tăng khả năng chống đổ ngã, nâng cao năng suất hiệu quả.
Giai đoạn lúa từ 40 đến 45 sau sạ là thời điểm thích hợp bón thúc đón đòng. Nhà nông cần bơm nước khoảng 1 đến 3 cm trước bón phân; để phân bón tránh bị bốc hơi, phân hủy; giúp lúa dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng hiệu quả.
Lúa từ 60 đến 70 ngày cần giữ nước trong ruộng cao từ 3 đến 5 cm liên tục 10 ngày. Để cung cấp đủ nước cho lúa trổ đòng, thụ phấn, kết hạt. Lúa sau 70 ngày đến khi thu hoạch giữ nước từ bằng mặt đất đến thấp hơn mặt đất 15cm. Lưu ý thời kỳ “xiết” nước 10 đến 15 ngày trước thu hoạch để sử dụng máy móc dễ dàng hơn.
4. Quản lý cỏ dại vụ Hè Thu
Sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân, bà con tiến hành thu gom tàn dư rơm rạ, cỏ dại, bông cỏ tiêu hủy. Thực hiện công tác chuẩn bị đất kỹ để diệt mầm cỏ từ khâu làm đất.
Với ruộng sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm cần phun xịt ngay giai đoạn đầu. Phun 2 đợt với Sofit.
– Đợt 1: phun sau khi làm đất lần cuối; kết hợp giữ nước trong ruộng 24 giờ sau đó tháo cạn nước mới xuống giống.
– Đợt 2: phun sau sạ 3 ngày.
▶ Chú ý: Phun thuốc đợt 2 có thể tùy chỉnh hoạch bỏ qua để tiết kiệm chi phí sản xuất.
Bơm nước vào ruộng sớm để hạn chế cỏ mọc lại. Nước là môi trường thành yếm khí làm cỏ khó mọc được. Điều chỉnh mực nước hợp lý để quản lý cỏ trên ruộng. Dùng lưới chặn hạt cỏ khi nước vào ruộng. Duy trì mực nước theo quá trình sinh trưởng lúa để ém cỏ.
Thường xuyên dọn cỏ ven bờ ruộng, cắt bông cỏ còn sót lại trước khi kết hạt tránh tồn trữ hạt trong đất.
5. Quản lý phân bón cung cấp cho lúa Hè Thu
Phân bón là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho lúa phát triển. Đặc biệt lúa Hè thu 2022 gặp phải vấn đề khó khăn; đó là giá thành phân bón cao hơn so với các năm trước. Vậy làm sao tối ưu được lượng phân bón cho lúa vụ Hè Thu?
Trên từng loại đất trồng khác nhau sẽ cần loại dinh dưỡng khác nhau, liều lượng khác nhau. Để lúa sinh trưởng tốt, năng suất cao lại tiết kiệm chi phí sản xuất; bà con cần chú ý nguyên tắc bón phân “4 đúng”.
ĐÚNG PHÂN
Mỗi loại phân bón chứa hàm lượng dinh dưỡng khác nhau; phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng lúa khác nhau. Phân bón chia làm 3 loại chính: đa lượng, trung lượng, vi lượng. Trong đó, với nhu cầu lúa mà bổ sung cho đúng phân bón.
Bón đúng loại phân giúp lúa được đáp ứng đúng nhu cầu dinh dưỡng; không gây tổn hại lúa. Đồng thời, với mỗi loại đất cũng cần chọn đúng phân để duy trì môi trường ổn định. Ở đất có tính chua, không bón phân có tính acid cao; ở đất kiềm không bón phân có tính kiềm mạnh.
ĐÚNG LƯỢNG
Nhu cầu hay hiện trạng của lúa được biểu hiện thông qua lá, rễ, thân cây. Phân bón không thể bón thừa cũng không thể thiếu. Mỗi giai đoạn sinh trưởng của lúa cần lượng phân bón khác nhau để phát triển. Và trong suốt thời kỳ sống của lúa luôn luôn có nhu cầu dinh dưỡng. Vì vậy, bà con khi bón phân cho lúa nên chia nhiều lần với liều lượng thích hợp cho lúa vụ Hè Thu.
ĐÚNG LÚC
Vụ Hè Thu là vụ trồng lúa thứ hai trong năm. Tình hình khí hậu, thời tiết biến chuyển thất thường; làm ảnh hưởng đến hiệu quả bón phân trên lúa. Đặc biệt trong vụ Hè Thu thường xuất hiện nắng gắt, mưa kéo dài; bà con cần lưu ý khi chọn thời điểm bón phân cho lúa.
Bón phân đúng thời cơ giúp lúa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng; sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Với sự ảnh hưởng bởi ngoại tác, vụ Hè Thu thường gặp nhiều khó khăn. Song, bà con bổ sung theo từng giai đoạn sinh trưởng sẽ giúp lúa hấp thu dưỡng chất đúng thời điểm.
Có 3 thời điểm bón phân quan trọng cho lúa vụ Hè Thu.
– Bón lót: vào thời điểm chuẩn bị đất trước gieo sạ; để đất phục hồi sau thu hoạch vụ trước.
– Bón thúc: vào thời điểm mạ non phát triển, lúa đẻ nhánh; nhằm thúc đẩy lúa phát triển nhánh lá, tăng năng suất.
– Bón rước hoa – đón đòng: vào thời điểm trước đòng trổ; bổ sung dinh dưỡng nuôi hoa, tạo hạt.
ĐÚNG CÁCH
Phân bón thường được bón bằng 2 cách: bón gốc và bón lá. Mỗi loại phân đều có phương pháp bón khác nhau, lúa mới hấp thu được tốt nhất. Theo cách thức truyền thống, nguồn lực sử dụng phần lớn là người lao động dùng phương pháp thủ công để bón phân cho lúa. Cách thức này vẫn hiệu quả, được sử dụng đến ngày nay. Tuy nhiên vẫn chưa phải là hiệu quả nhất; bởi thời gian dùng bón phân khá nhiều và tốn nhiều sức lực, nhân công nếu ruộng mẫu lớn.
Cách mà nhà nông hiện nay sử dụng thường áp dụng máy móc để tiết kiệm thời gian, cũng như cung cấp dinh dưỡng cho lúa vụ Hè Thu đúng thời điểm “vàng”.
(Nguồn: Theo DaiThanhTech)