Hàng loạt giải pháp đã được các chuyên gia, nhà quản lý hiến kế nhằm ‘giải khát’ cho Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục gay gắt.
Đó là nội dung của hội thảo “Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do báo Tuổi Trẻ phối hợp Trường đại học Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 26-4.
Ông Nguyễn Hải Linh – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Cửu Long Capital – cho rằng, hệ thống cấp nước từ các nhà máy cấp nước ở ĐBSCL được xây dựng theo công nghệ chỉ phù hợp với nguồn nước ngọt và không thể thích ứng với sự thay đổi về độ mặn của nguồn nước trong thời gian kéo dài.
Vì vậy, việc tìm ra giải pháp cung cấp nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu trong mùa khô hạn là yêu cầu cấp bách của các tỉnh ĐBSCL.
Tìm mọi cách để trữ nước
Ông Nguyễn Hải Linh cho hay công ty đã nhiều năm xây dựng nhà máy thích ứng với hai đầu vào: nước ngọt và nước nhiễm mặn.
“Ở nhà máy, nếu nước đầu vào là nước ngọt thì sẽ xử lý an toàn rồi đưa đến các trạm cấp nước, trung tâm cấp nước sạch nông thôn, công ty cấp nước của tỉnh để dẫn đến cung cấp các hộ dân.
Còn nguồn vào là nước bị nhiễm mặn thì chúng tôi sẽ thực hiện chuyển đổi trạng thái hệ thống nước này qua hệ thống lọc mặn theo công nghệ châu Âu để lọc nước mặn và tạp chất gây ô nhiễm… và cuối cùng thành nước ngọt”, ông Linh thông tin.
Chia sẻ thêm, PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, góp thêm nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu nước hiện nay như trữ nước trong hệ thống kênh rạch thì có khả năng đạt 2,5 đến 3 tỉ m3; trữ nước trong mương vườn bằng cách lên liếp, tạo mương trữ nước giữa các hàng cây và trữ nước trên ruộng (đối với lúa) trước thời điểm có đợt xâm nhập mặn.
Ông Quỳnh cho rằng ngoài các biện pháp trữ nước truyền thống cũng lưu ý trữ bằng thủy lợi nội đồng mà theo đó hình thành các ô thủy lợi hoàn thiện, đồng bộ để chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, trữ nước, đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất.
Còn PGS.TS Lê Anh Tuấn (giảng viên cao cấp khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên Trường đại học Cần Thơ) ví von ĐBSCL như cơ thể con người thì nguồn nước chính là mạch máu, do đó phải bảo vệ sự điều hòa, lưu thông của mạch máu của một con người.
Dẫn số liệu nghiên cứu vùng tứ giác Long Xuyên năm 2000 canh tác 53.000ha lúa thì còn giữ 9,2 tỉ m3 nước. Năm 2012, diện tích lúa canh tác ba vụ tăng lên với 403.000ha. Đến năm 2015, vùng này còn chứa 4,5 tỉ m3 nước, tức mất khoảng 4,7 tỉ m3.
Trong khi đó, một nghiên cứu cho thấy với 1m3 nước Việt Nam tạo ra giá trị trong trồng lúa là khoảng 2,37 USD, chỉ bằng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu (19,42 USD), thấp hơn cả Lào (2,53 USD), Campuchia (8,22 USD). “Đây là cái mà chúng ta cần suy nghĩ, sử dụng quá nhiều cho cây lúa có cần thiết không vì tạo ra giá trị quá thấp”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Do đó, ông Tuấn cho rằng cần khôi phục vùng ngập nước Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên vốn đã được vây kín bằng đê bao để làm lúa ba vụ, đồng thời với giải pháp tiết kiệm nước, sử dụng nước tuần hoàn và hướng tới các giải pháp thuận thiên để phù hợp với điều kiện của hiện nay.
Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Huy – chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan – đánh giá ĐBSCL đang đối diện nguy cơ rất lớn về thiếu hụt nguồn nước trong tương lai do vấn đề quản trị nguồn nước từ thượng nguồn và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, ông Huy lại đưa ra những số liệu cho thấy vấn đề không phải là câu chuyện ĐBSCL thiếu nước mà là làm sao để giữ nước, trong đó có nước “trời cho”. Cụ thể, ông Huy cho rằng với lượng mưa 2.100mm trong năm là rất lớn và có ý nghĩa cho vùng ĐBSCL nhưng vì sao chưa được đưa vào kế hoạch, có quy hoạch để sử dụng nguồn nước này.
“Ở dưới sông thì có nước, ở trên trời thì có mưa, vấn đề là chúng ta chưa giữ được nước”, ông Huy nói.
Ông Huy cho rằng nếu không có giải pháp đưa nguồn nước về, đến khi thiếu nước thì người dân khoan giếng lấy nước ngầm. Dẫn câu chuyện hạn mặn ở Long An gay gắt, địa phương đề xuất xả hồ Dầu Tiếng và thực tế đã xả 7 triệu m3 từ hồ này để cứu vùng hạ lưu nhưng do xả vào sông nên hiệu quả không cao.
Theo ông Huy, việc đầu tư đường ống kín hay xả nước vào sông là “bài toán cần tính tới”. Giải quyết vấn đề nước cho vùng ĐBSCL không chỉ là vấn đề trước mắt mà cần có “tầm nhìn trăm năm” để có kế hoạch đầu tư.
Muốn sống chung phải hiểu hạn mặn
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng trước đây ĐBSCL chỉ có khái niệm “sống chung với lũ” thì sau nhiều đợt hạn hán, xâm nhập mặn trong một thập niên qua cho thấy đã đến lúc phải có giải pháp, mô hình thích ứng để “sống chung với hạn, mặn”.
Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Hiệp cho rằng trước năm 2016 thì 100 năm hạn mặn khốc liệt mới xuất hiện một lần nhưng trong vòng 10 năm qua đã có ba lần hạn mặn khốc liệt lặp lại, do đó câu chuyện sống chung với hạn mặn là vấn đề không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ông Hiệp lưu ý rằng “sống chung với ai đó thì hiểu mới sống chung được”. Theo ông Hiệp, muốn sống chung với hạn mặn thì ít nhất cần nhận thức chia ra năm loại nước để ứng xử khác nhau và ứng xử phù hợp.
Tán thành với vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ, cho biết trước khi nói về giải pháp tìm nguồn nước thì phải thảo luận nhu cầu nước, từ đó mới có cơ sở tính toán, giữ nguồn nước, tạo nguồn nước cho đủ nhu cầu.
“Chẳng hạn như nước sạch cho sinh hoạt, cho công nghiệp, dịch vụ hay cho nông nghiệp, thủy sản. Chúng ta có quy hoạch phát triển bền vững ĐBSCL được Chính phủ thông qua năm 2022, trên cơ sở đó xác định nhu cầu nước. Không chỉ là nước ngọt mà còn có nước lợ, nước mặn từ biển. Từ nguồn nước đó, chúng ta xác định trữ lượng mà trữ lượng này biến động theo không gian, thời gian, nhu cầu sinh thái khác nhau”, ông Trung nói.
(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online)