Bệnh thường gặp trên lúa và cách phòng trừ

Bệnh lá vàng

1. Giới thiệu:
Bệnh vàng lá hay là bệnh vàng lá chín sớm. Đây là bệnh mới xuất hiện và gây hại từ vụ Đông Xuân năm 1988 ở tiền Giang. Hầu hết các giống cao sản ngắn ngày đều có thể nhiễm bệnh.
2. Triệu chứng bệnh
– Bệnh thường xuất hiện và gây hại ở giai đoạn 7 – 10 ngày trước khi trổ cho đến khi thu hoạch.
– Trên lá khi bệnh mới xuất hiện là các đốm hình bán nguyệt nhỏ 1 – 3 mm, màu vàng cam.
– Sau đó từ vết bệnh làm chết các mô lá thành từng sọc dài tới chop lá màu vàng cam.
– Trên một lá có thể xuất hiện nhiều vết bệnh
– Bệnh nặng có thể xuất hiện các vết đốm trên bẹ lá.
– Trên ruộng bị bệnh nặng nhìn trên ruộng có màu vàng rực giống như màu lúa chín.
– Nhiều nơi gọi là bệnh vàng lá chín sớm.
3. Tác nhân gây hại:
– Tác nhân gây hại của bệnh vàng lá lúa còn có nhiều tranh cãi chưa được xác định chính xác.
– Tuy nhiên đã có nhiều kết quả cho thấy sử dụng các loại thuốc trị nấm bệnh có hiệu quả tốt ngăn chặn sự phát triển và mức độ hại của bệnh.
– Bệnh vàng lá lúa thường gây hại nặng trên các ruộng lúa xanh tốt, mật độ sạ dày hoặc bón nhiều phân  đạm.
– Những mãnh ruộng gần vườn cây có bị che nắng buổi sáng hoặc buổi chiều thường bị bệnh nặng hơn.
4. Biện pháp phòng trừ:
– Sử dụng  các giống lúa cứng cây, tán lá thẳng.
– Các ruộng cọ bị bệnh cần được vệ sinh sạch nguồn rơm rạ hoặc đốt sau khi thu hoạch.
– Bón phân cân đối NPK và không bón quá nhiều phân đạm.
– Sử dụng một số loại thuốc trị nấm bệnh ở giai đoạn trước khi trổ hoặc khi vết bệnh mới xuất hiện.

Bệnh lùn xoắn lá

1. Giới thiệu: Bệnh lùn xoắn lá đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam năm 1977 ở Cai Lậy Tiền Giang. Đến vụ Hè thu năm 1978 bệnh đã phát triển gây hại trên hầu khắp các tỉnh phía Nam. Bệnh lùn xoắn lá làm giảm năng suất nghiêm trọng do chiều cao cây, chiều dài lá và rễ bị giảm nhiều. Bông lúa trổ không thoát và tỷ lệ lép cao.
2. Triệu chứng bệnh
– Cây lúa bị bệnh lùn lá còn xanh và bị xoắn, cây sinh trưởng chậm. Trên ruộng lúa phát triển không đều, mép lá có thể bị rách hình răng cưa gân lá có màu vàng lợt, trắng, hoặc nâu đậm.
– Cây lúa trổ muộn và trổ không thoát, có trường hợp bong lúa bị quăn và đâm xuyên qua bẹ lá. Ở cây lúa bệnh thường có mọc nhiều chồi trên đốt thân. Bông lúa ngắn và tỷ lệ lép cao. Các nhánh con đều là nhánh vô hiệu.
3. Tác nhân gây hại:
– Bệnh lùn xoắn lá do virus gây ra, rầy nâu là môi giới truyền và lây lan virus vào cây lúa do chích hút.
– Virus có dạng hình khối cầu, thường tập trung ở những phần non trên cây vì vậy các dảnh cấp 2 và 3 bị nặng hơn dảnh cấp.
– Bệnh không lây qua hạt cũng như các biện pháp cơ giới.
– Rầy nâu ở tuổi 4 – 5 truyền bệnh mạnh nhất, sau khi đã chích hút ở cây lúa bệnh 2 – 5 ngày, chỉ sau 5 phút chích hút là rầy nâu có thể truyền được bệnh sang cây lúa khỏe.
– Khi bị truyền virus 5 – 32 ngày sau cây lúa có biểu hiện bệnh. Sau khi virus có trong cơ thể rầy nâu sẽ tồn tại trong con rầy cho tới cuối đời của con rầy.
– Virus lùn xoắn lá còn gây hại và tồn tại trên cỏ lồng vực và cỏ đuôi phụng. Bệnh gây hại quanh năm khi có cây lúa, tuy nhiên thời gian có nhiệt độ từ 25 – 26 0C là thích hợp nhất cho bệnh phát triển.
– Trên ruộng lúa bón nhiều đạm bị bệnh nặng hơn. Phân đạm là nhân tố ảnh hưởng cả đến bệnh và côn trùng truyền bệnh. Nhìn chung khi bón bất kỳ loại phân nào cũng đều làm tăng mức độ bệnh.
4. Biện pháp phòng trừ:
– Không có thuốc hóa học đặc trị bệnh lùn xoắn lá cho nên phải tuân theo hướng dẫn sau:
– Sử dụng các giống lúa kháng rầy nâu.
– Khi bệnh mới xuất hiện cần nhổ bỏ để tránh lây lan.
– Vệ sinh đồng ruộng, cày ải diệt lúa chét vì là nguồn bệnh cho vụ sau.
– Thời vụ sạ đồng loạt cây lúa sinh trưởng đồng đều hạn chế sự di chuyển của côn trùng môi giới.
– Bố trí sản xuất luân canh hai lúa một màu.
– Phân bón cân đối hợp lý.

Bệnh đốm vằn

1. Giới thiệu: – Bệnh đốm vằn trên lúa hay còn gọi là bệnh ung thư, được phát hiện và mô tả đầu tiên vào 1910 ở Nhật Bản, sau đó bệnh này cũng được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới. Bệnh đốm vằn là một trong những bệnh gây hại quan trọng trên ruộng lúa nước ở nước ta và các nước trồng lúa trên thế giới.
2. Triệu chứng bệnh
– Bệnh thường xuất hiện từ 40 ngày sau khi sạ tới khi lúa trổ. Đầu tiên là những vết bệnh xuất hiện trên bẹ lá ở gần gốc lúa, đôi khi lây trực tiếp qua lá từ những cây bị bệnh xung quanh.
– Các vết bệnh lúc đầu có hình hơi tròn hoặc bầu dục có màu xanh xám, tâm có mày trắng xám và xung quanh màu nâu; kích thước vết bệnh thay đổi thường dài từ 1-3 cm. Khi gặp điều kiện thuận lợi các vết bệnh phát triển và liên kết lại hình thành nên những vết bệnh vằn vện không có hình dạng nhất định nên gọi là bệnh đốm vằn.
– Ở trên ruộng lúa, bệnh thường xuất hiện gần mặt nước ruộng, sau đó bệnh phát triển lên các bẹ và lá phía trên hay lây sang những cây xung quanh. Có nhiều hạch nấm được hình thành ngay gần vết bệnh. Đầu tiên hạch nấm có màu trắng khi già chuyển sang màu nâu. Hạch nấm già sẽ  rơi xuống đất và trôi nổi trên mặt nước, đây là nguồn lây lan bệnh từ nơi này sang nơi khác hoặc từ vụ này sang vụ tiếp theo.
3. Tác nhân gây hại:
– Bệnh đốm vằn do nấm Rhizoctonia solani Kuhn gây ra, là bệnh hại quan trọng đối với lúa cao sản ngắn ngày. Bệnh có thể gây hại ở tất cả các vụ trong năm, thường gây hại nặng ở vụ Đông Xuân. Bệnh nhẹ thì làm tăng tỷ lệ lem lép hạt, gây đổ ngã, làm giảm năng suất. Bệnh nặng sẽ làm cây lúa chết và có thể gây thất thu năng suất lên đến 25%.
– Nấm R. solani còn gây hại trên nhiều loại cây trồng khác như: gây bệnh chết cây con đối với đậu nành, đậu xanh, cà chua; gây bệnh đốm vằn, chết cây con trên cây bắp, … Vì vậy các loại hoa màu trồng luân canh trên đất lúa thường dễ bị nhiễm bệnh do nấm R. solani gây ra.
– Nấm R. solani có thể sống, phát triển hầu hết trên tất cả các loại cỏ dại, hạch nấm rơi xuống đất có thể tồn tại rất lâu và có khả năng gây bệnh trở lại sau một thời gian dài trong điều kiện tự nhiên. Do đó bệnh thường xuyên xuất hiện trên ruộng lúa.
4. Biện pháp phòng trừ:
– Làm cỏ xung quanh ruộng, trong ruộng và kênh mương dẫn nước.
– Gieo sạ với mật độ thích hợp (150-200 kg/ha sạ bằng tay, 80-100 kg/ha sạ bằng máy sạ hàng).
– Sử dụng phân bón thích hợp (dùng bảng so màu là lúa, bón phân cân đối theo quy trình bón phân).

Bệnh đạo ôn hại lúa

Đạo ôn cũng là một dịch hại nguy hiểm đối với cây lúa. Hiện nay hầu hết các giống lúa đang được trồng phổ biến trong sản xuất (đặc biệt là những giống có chất lượng gạo ngon đạt tiêu chuẩn xuất khẩu) lại là những giống nhiễm hoặc kháng yếu với bệnh đạo ôn.
Vì thế, nếu gặp thời tiết phù hợp, cây lúa đang ở giai đoạn xung yếu đối với bệnh, mà ruộng lại bón thừa phân đạm, thì bệnh có thể hủy diệt cả ruộng lúa chỉ trong vài ngày.
Đạo ôn có thể gây hại nhiều bộ phận phía trên mặt đất của cây lúa từ lá, đốt thân, cổ bông đến gié lúa, hạt lúa,…
– Trên lá: Bệnh gây hại chủ yếu ở giai đoạn mạ-đẻ nhánh. Lúc đầu vết bệnh chỉ nhỏ như đầu mũi kim, màu xám xanh giống như bị nước sôi, sau đó chuyển sang màu nâu, rồi lan rộng dần ra thành hình thoi, xung quanh màu nâu đậm, giữa màu xám trắng. Nếu nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau làm lá bị cháy khô, cây lúa bị lụi xuống, ruộng lúa sẽ bị thất thu nghiêm trọng.
– Trên cổ bông, đốt thân, gié lúa: Nấm bệnh tấn công trên đốt thân, trên cổ bông và trên gié lúa. Chỗ bị bệnh lúc đầu có mầu xám xanh, sau chuyển dần sang màu nâu, nâu đậm. Trên cổ bông, nếu ẩm độ không khí cao, chỗ vết bệnh sẽ mọc một lớp nấm mốc màu xám xanh, nếu trời khô vết bệnh sẽ khô tóp lại. Gặp gió to chỗ vết bệnh bị gẫy gập, ruộng lúa trở nên xơ xác. Do cản trở việc vận chuyển chất dinh dưỡng từ cây lúa lên nuôi hạt, làm cho hạt lúa bị lép lửng. Nếu nặng bệnh có thể làm cho hạt lúa bị lép hoàn toàn.
– Trên hạt: Vết bệnh có hình đốm tròn, viền nâu, tâm mầu xám trắng, đường kính khoảng 1-2 mm. Nếu nặng có thể làm cho hạt lúa bị lem lép lửng.
Để hạn chế tác hại của bệnh, bà con cần kiểm tra ruộng lúa thường xuyên (đặc biệt là những ruộng gieo cấy giống nhiễm như một số giống lúa thơm, những ruộng lúa tốt lốp,…) để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trị kịp thời.
Khi phát hiện thấy chớm có bệnh, bà con phải ngưng bón đạm, không để ruộng bị khô nước. Đồng thời tiến hành phun xịt thuốc ngay.
Đối với những ruộng sắp trỗ đến trỗ lẹt xẹt, nếu thấy thời tiết thuận lợi cho bệnh (ban đêm lạnh, đêm và sáng sớm có nhiều sương mù, trời âm u, ít nắng,…) thì bà con nhớ phun một đợt thuốc ngừa bệnh tấn công trên cổ bông, bông và hạt lúa, và phun tiếp lần hai sau đó khoảng 10-15 ngày (phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để không ảnh hưởng đến thụ phấn của bông lúa).

Liên hệ với chúng tôi
Chat qua zalo
Chat qua Facebook
Gọi ngay: 094.971.7671